CON ĐƯỜNG HỢP Ý

Con  Đường  Hợp  Ý



Mục đích của linh hồn là học hỏi để tiến hóa nên trong thời gian ở tại cõi trần, Chơn nhơn (CN) thúc đẩy con người đi tìm những kinh nghiệm mới, và đồng thời cố gắng đi mau bằng cách thanh toán số lớn nhân quả để ít bị vướng bận sau này. Khi một ai bắt đầu chịu ảnh hưởng của CN, họ lờ mờ cảm thấy đời sống có ý nghĩa và trong lòng có sự thúc giục đi tới, thể hiện nó. Sự gịục giã này ngày càng rõ, càng mạnh và linh hồn muốn tiến xa trong thời gian ngắn sẽ chọn con đường khó, con đường nhiều trở ngại nhất vì nhờ đó anh thực hiện nhiều điều cùng một lúc.

● Con đường khó cho lắm cơ hội thâu thập kinh nghiệm mới. Chính vì mới nên khó.

● Nhân quả được trang trải trong thời gian kỷ lục. Điều này ngụ ý đời anh có thể không an nhàn, ít ra trong giai đoạn trả nợ cũ.

● Nghịch cảnh là dip quí để tu thân, rèn luyện tâm tính, phát triển khả năng.

Lúc chưa phát triển, còn chịu ảnh hưởng của phàm nhân (PN) hơn CN, con người có khuynh hướng lập lại bước đường cũ vì nó dễ. Động lực từ CN chưa đủ mạnh để khiến con người quyết chí đi mau, do đó người bạn đi … tà tà, sống lại cụộc đời anh đã biết. Còn gì dễ hơn, an toàn hơn là nhắc lại điều mà chúng ta đã trải qua thành thạo. Sự an toàn ở đây đồng nghĩa với dậm chân tại chỗ trên đường tiến hóa và quả thật, nếu không gan dạ đi tìm và vượt qua thử thách, sự tiến bộ sẽ không có. Thí dụ là khi đến thăm một tu viện, bầu không khí tôn nghiêm khơi dậy những tình cảm thanh thoát nhưng người ta thấy một tu sĩ ở đây có tâm hồn không được nhẹ nhàng. Truy nguyên ra, đó là một linh hồn trốn học; anh đã uổng phí thì giờ trong kiếp sống hiện tại khi chọn con đường tu hành, vì như vậy, anh đã sống theo khuynh hướng của đời trước. Xưa kia anh đã làm tu sĩ, nếu chịu nghe sự thúc giục của CN anh phải là thương gia bận rộn trong kiếp này; tuy nhiên không cưỡng lại được sự hấp dẫn của đời sống êm đềm trong tu viện nên một lần nữa, anh lại tránh xa thế giới. Người bạn không hề biết chuyện nhưng trong lòng chẳng hoàn toàn ưng ý với đời mình, anh không hài lòng trọn vẹn với quyết định đi tu và mơ hồ cảm thấy một sự dằng co sâu thẳm trong tâm. Cuộc đời không thiếu những linh hồn chịu theo con đường cũ như vậy.

Có một phương diện khác mà sự xung đột giữa ý CN và ý PN cũng rất mạnh, nhưng ít khi được khám phá. Không một phương pháp trị liệu nào chữa hết mọi bệnh. Với ai được cứu khỏi, nó sẽ có tiếng kỳ diệu, còn ai không lành bệnh, phương pháp bị giảm giá. Sự thật là:

● Nếu CN làm chủ và có ảnh hưởng mạnh, đời sống ở cõi trần sẽ theo ý muốn của CN. Khi CN chọn bệnh tật để giải trừ nhân quả xưa, bệnh sẽ dây dưa không hết. Ở đây CN thắng PN, linh hồn đi con đường nhiều trở ngại nhất để tiến mau, tiến xa bởi tiến bộ là mục tiêu của CN.

● Nếu PN mạnh và lấn át CN còn trẻ, bệnh có thể khỏi. PN không muốn trả nhiều quả, phải cố gắng nhọc nhằn.

Linh hồn trên đường phát triển giống như người leo núi: chấp nhận thử thách và khắc phục chúng một cách anh hùng. Trong suốt cuộc chiến đấu, quy luật chung khiến anh phải leo một mình, không nhận trợ giúp cho tới khi thắng cuộc. Vào thời trung cổ, những phán quan (Inquisitor) tại Âu châu sáng chế nhiều hình phạt kinh khủng, áp dụng cho ai họ tin là phản Thiên chúa giáo. Nói chung, phán quan là người cuồng tín, họ mê muội tinh thần nhưng đó cũng là đặc tính của họ khi tái sinh. Do việc đã làm, nhiều người mắc phải bệnh nặng ở kiếp hiện giờ (1) và nét chung là các bệnh nhân ấy có căn bản tinh thần vững chắc, tin vào Thượng đế và nhẫn nại chịu đựng. Nguyên ủy chính của những bệnh nan y là sự tàn nhẫn, bạo hành đã phạm, nhưng câu hỏi đặt ra là sự trừng phạt có lợi gì nếu chúng ta không nhớ lý do. Thật vậy, khi qua đời các thể của PN sẽ tiêu tan, tuy nhiên kinh nghiệm được lưu lại trong hạt nguyên tử trường tồn, bộ óc xác thịt có thể quên, nhưng linh hồn sẽ nhớ.

Lắm trường hợp đường đi khó chẳng bởi nhân quả mà bởi CN muốn chuẩn bị cho việc làm mai sau. Một lực sĩ sẽ tập luyện ráo riết để dự Thế vận hội, anh tự đặt kỷ luật gắt gao cho mình, một ngày tập dượt tối đa cùng hy sinh nhiều thú vui mà người khác hưởng. Không ai bắt anh phải làm vậy nhưng mục tiêu của anh là huy chương vàng, và muốn đạt được lực sĩ cần chuẩn bị với hết sức mình.

Nhiều khi con đường hợp ý CN chứa khó khăn gần vượt quá sức chịu đựng: ta có nghịch cảnh. Dầu vậy ai khôn ngoan sẽ biết chọn lựa và theo ý CN. Sự chấp nhận không có nghĩa xuôi tay buông trôi, mặc cho con tạo xoay vần, nó là kết quả của hiểu biết và quyết tâm. Hiểu biết chuyện quá khứ đưa tới hoàn cảnh hiện tại, thấy được tương lai và quyết tâm đi tới. 

Nicholas Roerich là họa sĩ tài ba có liên hệ với Agni Yoga (xin xem bài Bên Trong Lịch Sử) ông du khảo nhiều ở Tây Tạng và tranh vẽ trong những dịp này được triển lãm thường trực tại “The House of the Master" (2). Ngoài đặc tính gợi cảm xúc tinh thần, tranh của ông còn được dùng để chữa bệnh. Ngày kia một bạn trẻ đến thăm Roerich, tâm hồn anh bị xáo động nhưng Roerich mời anh lên lầu cao ngắm nhìn thế giới, ông chỉ nói vắn tắt: Mọi việc rồi sẽ tốt lành và người bạn hiểu. Khi đem tâm thức lên vị trí cho cái nhìn bao quát của sự sống, từ nguyên do đến hậu quả, từ quá khứ đến tương lai, ta chỉ có một điều đáng nói: Mọi việc rồi sẽ tốt lành. Có lẽ đây là niềm an ủi sâu xa cho ai đang leo núi theo ý CN: 

Mọi việc rồi sẽ tốt lành.

  1. Chi tiết được ghi trong : The Science of Seership by G. Hodson
  2. Mời bạn đến xem: 

Nicholas Roerich Museum
319 West 107 St.
New York, N.Y. 10025